Những Điều Cần Biết Để Trở Thành Một Nhà Quản Trị Xuất Sắc

05/05/2021 8546

Nhà quản trị là những người điều khiển công việc của người khác. Họ là người tổ chức và thực hiện hoạt động quản trị, ra các kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và giám sát việc phân bố nguồn lực con người, tài chính. Vậy một nhà quản trị giỏi cần có những yếu tố nào?

 

Nhà quản trị xuất sắc cần có những gì?

 

Mô hình cấp bậc của nhà quản trị

 

Quản trị viên cấp cao

 

Là các nhà quản trị nằm ở đỉnh quyền lực, là cấp bậc cao nhất chịu trách nhiệm cuối cùng trước kết quả của tổ chức. Họ là người hoạch định, tổ chức và lãnh đạo nhân viên, tạo ra các mục tiêu, chiến lược, phương hướng cho tổ chức của mình. Vị trí của quản trị viên cấp cao gồm có: chủ tịch HĐQT, ủy viên HĐQT, tổng giám đốc…

 

Quản trị viên cấp trung

 

Là người nhận lệnh từ các quản trị viên cấp cao và đứng ra chỉ huy các quản trị viên cấp cơ sở. Công việc của các quản trị ở tầng lớp này là nhận chiến lược, kế hoạch từ cấp trên, sau đó triển khai thành các mục tiêu cụ thể cho cấp dưới thi hành. Họ là người phân bổ các nguồn lực một cách hợp lý nhất để tổ chức vừa tiết kiệm nguồn lực, vừa đạt hiệu quả cao. Vị trí này bao gồm: quản đốc, trưởng phòng, trưởng khoa…

 

Quản trị viên cấp cơ sở

 

Là những nhà quản trị có vị trí thấp nhất về quyền lực, người làm việc trực tiếp với hàng hóa, dịch vụ của công ty. Họ là người trực tiếp hướng dẫn, đôn thúc các nhân viên trong tổ chức để hoàn thành mục tiêu chung. Vị trí này là những chức vụ như tổ trưởng, trưởng bộ phận…

 

Vai trò của nhà quản trị 

 

Vai trò của nhà quản trị bao gồm:

Vai trò với con người: nhà quản trị là đại diện của một tổ chức, là người đối thoại, giao dịch với các tổ chức khác. Họ là người lãnh đạo cũng như là người kết nối các cá nhân trong tổ chức.

 

Vai trò thông tin: tiếp nhận, thu thập thông tin liên quan đến tổ chức là vai trò của một nhà quản trị.

 

Vai trò quyết định: nhà quản trị cần tìm ra phương pháp cải thiện giúp tổ chức tiến bộ và làm việc hiệu quả. Làm sao để tổ chức của mình có lợi nhất là điều một nhà quản trị cần làm.

 

Những yếu tố để trở thành một nhà quản trị xuất sắc

 

Muốn đạt được mục tiêu đề ra, nhà quản trị nên liệt kê danh sách các công việc cần làm. Từ đó mới có thể dễ dàng xác định phương hướng, chính sách ưu tiên cho công việc của tổ chức. Bên cạnh đó, nhà quản trị cần phải có tính quyết đoán trong mọi việc mà họ làm. Quyết đoán giúp họ không bỏ lỡ cơ hội mà còn giúp tiến độ công việc trở nên nhanh chóng hơn.

 

Để thực hiện tốt vai trò quản trị thì các quản trị viên cần trau dồi cho mình 3 kỹ năng dưới đây:

Kỹ năng nhân sự

 

Đây là sự tương tác, khả năng làm việc với các nhân viên ở trong tổ chức của mình. Thông qua quá trình làm việc của nhân viên, nhà quản trị mới có thể đạt được mục tiêu cho tổ chức. Kỹ năng nhân sự bao gồm: khả năng động viên, thúc đẩy nhân viên làm việc; khả năng điều phối, sắp xếp, lãnh đạo nhân viên; khả năng giải quyết mâu thuẫn; tạo điều kiện thuận lợi, phương tiện làm việc tối ưu cho nhân viên…

 

Kỹ năng nhân sự

 

Kỹ năng nhận thức

 

Là khả năng dựa trên sự hiểu biết của nhà quản trị để nhìn nhận tổ chức ở góc độ tổng thể và mối quan hệ giữa các bộ phận. Kỹ năng này gồm có: khả năng tư duy chiến lược, có tầm nhìn dài hạn và tổng thể; xử lý thông tin rõ ràng, minh bạch; hoạch định kế hoạch chi tiết; nắm rõ hoàn cảnh, giảm thiểu rủi ro…

 

Kỹ năng chuyên môn – kỹ thuật

 

Đây là kỹ năng đòi hỏi về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các nhà quản trị. Kỹ năng này bao gồm: trình độ hiểu biết thành thạo về các phương pháp, kỹ thuật, thiết bị; khả năng chuyên môn; khả năng phân tích, sử dụng kỹ thuật để giải quyết vấn đề.

 

Kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả

 

Ngoài ra, quản lý thời gian cũng là một kỹ năng quan trọng. Một nhà quản lý phải xử lý rất nhiều công việc trong một ngày. Bạn không thể nào trở thành một nhà quản trị giỏi nếu như không biết cách quản lý thời gian. Việc sắp xếp thời gian hiệu quả sẽ giúp bạn tiến hành công việc một cách nhanh chóng và tối ưu. 

 

Một nhà quản trị giỏi hãy biến những trở ngại thành cơ hội, đừng xem mọi vấn để đều là mối đe dọa của tổ chức. Thay vào đó, nhà quản trị cần nhìn thấy mặt tích cực, cơ hội và tiềm năng từ các sự kiện xảy ra, sau đó tìm cách giải quyết nó thay vì than thở. Có như vậy bạn mới tìm ra hướng phát triển cho tổ chức của mình. Một điều quan trọng  nữa, chính là, nhà quản trị không nên chỉ giỏi việc cá nhân, hãy học cách tương tác, cùng làm việc với mọi người trong tổ chức. Vì người ta thường bảo: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa thì đi cùng đồng đội”.

 

Hy vọng với những chia sẻ trên của HrOnline sẽ giúp ích cho những nhà quản trị ưu tú trong tương lai, trở thành những thủ lĩnh đứng đầu xuất sắc toàn diện, góp phần đưa tổ chức ngày một phát triển.

  • TAGS